Tôi đã làm thế này để có tiền mua nhà
Những mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp bạn tìm thấy một số kênh giảm chi phí tiêu dùng và tăng nguồn tiền cho quỹ mua nhà mà Tôi đã áp dụng thành công
Hãy tiết kiệm ngay khi có thể
Để dành tiền càng sớm càng tốt. Đừng đợi đến khi có nhu cầu mới bắt đầu để dành tiền. Theo tính toán, giữa một người bắt đầu để dành từ năm 21 tuổi đến 30 tuổi và một người để dành từ năm 31 đến 40 tuổi, cùng số tiền đầu tư là 180 triệu đồng và mức lãi suất tiền gửi 7%/năm, đến năm 50 tuổi, số tiền để dành chênh lệch giữa người để dành sớm và người tiết kiệm muộn là hơn 600 triệu đồng.
Các bước cụ thể như sau:
1. Bước đầu tiên bạn nên làm là lập cho mình một tài khoản tiết kiệm sinh lãi đặc biệt cho việc mua nhà. Bạn chọn những hình thức gửi có kỳ hạn nhất định để tiền chỉ được gửi vào mà không được rút ra trước hạn định.
2. Bạn luôn bỏ ra một khoản cố định 10 hoặc 20% trong khoản lương của mình dành cho việc mua nhà và gửi trực tiếp vào tài khoản tiết kiệm của bạn vào mỗi kỳ quyết toán lương. Nếu có thể, bạn yêu cầu kế toán giúp chuyển một phần của tiền lương vào tài khoản mà bạn dành cho việc mua nhà vào mỗi kỳ lương hàng tháng. Điều này đảm bảo cho bạn một khoản tiết kiệm có được đều đặn hàng tháng và hạn chế những quyết định mua sắm “liều lĩnh” của bạn.
3. Có thể một lúc nào đó bạn có được những khoản tiền hời từ đâu mang đến thì bạn hãy nghĩ ngay đến “ngôi nhà mơ ước” của mình và gửi thẳng ngay số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm mà không do dự.
4. Chỉ đi mua sắm quần áo, điện thoại hoặc những hàng hoá khác chỉ khi bạn thật sự cần chúng. Hãy cố gắng kiểm soát bản thân trước những lời mời gọi hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi khi mà những loại hàng hoá hoặc số lượng hàng hoá đó không cần thiết cho bạn.
5. Hãy cắt giảm các hoạt động giải trí và ăn uống bên ngoài. Thay vào đó, bạn hãy sáng tạo riêng cho mình những hoạt động ngay tại nhà như tổ chức những buổi coi phim, những buổi nấu nướng tại nhà cùng vài người bạn thân thiết, hợp ca.
6. Để những người bạn thân quen và gia đình của bạn biết rằng bạn đang có kế hoạch mua nhà. Hầu hết khi được bạn chia sẻ điều này, mọi người sẽ thấu hiểu và dễ thông cảm cho bạn về khoản “quà cáp” của một số dịp đặc biệt nào đó. Đồng thời, họ cũng có thể tư vấn một số thông tin hữu ích trong việc mua nhà cho bạn.
7. Đừng bỏ qua những khoản tiền nhỏ. Hãy tích cóp tất cả khoản tiền dư này vào trong một con heo đất, và mỗi tháng, bạn gửi số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm của mình.
8. Dọn dẹp nhà kho để phân loại trong số những đồ vật không dùng đến, cái nào có thể bán, tái sử dụng hoặc phải vứt đi. Đây là công việc tiện lợi nhiều đường cho bạn: có được một số tiền sau khi bán những món đồ, tiết kiệm khi tận dụng được những món đồ cũ và đến thời điểm dọn nhà, số lượng đồ đạc cần chuyển đi cũng sẽ giảm bớt
Khi có tiền để mua nhà rồi bạn cũng không quên những vấn đề này nhá
- Mua nhà, đất hay căn hộ: Tùy theo nhu cầu mà quyết định nên mua tài sản ở dạng nào. Ở mức giá 1 tỉ đồng, nhà hoặc đất sẽ ở khá xa trung tâm hoặc đòi hỏi thêm một khoản tiền sửa chữa. Với căn hộ chung cư tầm trung, người mua sẽ có nhiều lựa chọn ở nhiều vị trí khác nhau.
- Các chương trình khuyến mãi:
Đối với các dự án mới, chủ đầu tư thường có các chương trình ưu đãi như hỗ trợ giá, hỗ trợ lãi suất, có thể giúp người mua tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ từ vài chục triệu đồng đến trăm triệu đồng.
- Uy tín của nhà đầu tư: Những chủ đầu tư có lịch sử giao nhà đúng tiến độ giúp người mua yên tâm hơn và chủ động trong kế hoạch tài chính của mình.
- Tìm các dự án có ngân hàng tài trợ vốn vay: Sẽ hỗ trợ tốt hơn về mặt thủ tục cũng như yên tâm hơn về độ tin cậy của dự án.
- Tìm hiểu về sản phẩm vay: cần cân nhắc về lãi suất, phí trả sớm, có trả lãi trên dư nợ giảm dần hay không, về lãi suất, các mức lãi suất có thời gian cố định dài sẽ giúp chủ động trong việc lên kế hoạch tài chính nhưng bất lợi là sẽ bỏ lỡ cơ hội điều chỉnh lãi suất khi lãi suất trên giá thị trường đi xuống, nhưng có điểm lợi là giảm được rủi ro lãi suất tăng cao trong tương lai.
Vì vậy, việc lập kế hoạch cũng như dự trù cho rủi ro lãi suất là cần thiết. Việc phạt trả sớm cũng là điểm cần tìm hiểu khi một số ngân hàng cho phép trả sớm nhưng sẽ tính phí dựa trên số tiền trả trước. Và, việc tính lãi trên dư nợ giảm dần cũng sẽ tốt hơn trên tổng dư nợ ban đầu. Người đi vay có thể hỏi kỹ bên tư vấn cho vay để có được những thông tin này.
- Có tiền sớm trả sớm: Để giảm gánh nặng lãi suất, lời khuyên là nên tích lũy tài chính và bất kỳ khi nào có khoản thu nhập thêm, hãy dùng nó để trả bớt khoản vay.
Chúc bạn sớm có được ngôi nhà mong ước!!!